Giới thiệu V2WORK

LỚP DỊCH VỤ DỰ ÁN V2WORK: NUÔI DƯỠNG TINH THẦN KHỞI NGHIỆP VÀ CUNG CẤP KIẾN THỨC VỀ START-UP

LỚP DỊCH VỤ DỰ ÁN V2WORK: NUÔI DƯỠNG TINH THẦN KHỞI NGHIỆP VÀ CUNG CẤP KIẾN THỨC VỀ START-UP

Trong khuôn khổ gói công việc số 04 của dự án V2WORK, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, đã tổ chức dịch vụ nhằm bổ sung kiến thức cũng như nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho các bạn sinh viên, học viên cao học. Ông Trần Văn Liêng - Tổng Giám đốc công ty Vinacacao Việt Nam là diễn giả chính. Lớp dịch vụ có sự tham dự của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - TS. Trần Đình Lâm và đông đảo các bạn sinh viên, học viên cao học đến từ nhiều khoa, ngành khác nhau.

TS. Trần Đình Lâm giới thiệu tóm tắt về mục tiêu và quá trình phát triển của dự án V2WORK và các dịch vụ mới do Liên minh Châu Âu tài trợ. Bên cạnh đó, TS. Lâm đã giới thiệu diễn giả ông Trần Văn Liêng - 1 trong 60 cựu sinh viên tiêu biểu được vinh danh trong Lễ mừng kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển của trường và đồng thời có những đóng góp tích cực để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường hiện nay.
 
Trong phần chia sẻ của mình, ông Trần Văn Liêng cho rằng khởi nghiệp đó là bắt đầu của một quá trình lo sợ mà người khởi nghiệp phải đối diện trong suốt khoảng thời gian đầu tiên. Khởi nghiệp nghĩ thì khó, nhưng cơ hội khởi nghiệp thì không quá khó để tìm. Theo ông, mỗi người khi phát hiện ra cần có sự thay đổi và bản thân có thể tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội để thay đổi điều đó, đây chính là lúc bước vào con đường khởi nghiệp. 
 
 
Diễn giả của Trần Văn Liêng, người đã đồng hành cùng ĐHKHXH&NV xuyên suốt dự án V2WORK
 
Ngày nay, khi so sánh tỉ lệ tự làm chủ kinh doanh của Mỹ và Việt Nam sẽ thấy được mức chênh lệch tương đối lớn. Hiện ở Mỹ có hơn 30 triệu công ty khởi nghiệp, chiếm 12% dân số của đất nước này. Trong khi đó, con số này mới chỉ chạm mức 0.8% tại Việt Nam, tương đương 700 nghìn công ty khởi nghiệp trên tổng số 90 triệu người. Tuy vậy, mức chênh lệch này vẫn biểu hiện một dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam, ít nhất vấn đề khởi nghiệp đang được nhắc đến một cách phổ biến hơn và Chính phủ đang có những chính sách ủng hộ, khuyến khích sự phát triển của các  doanh nghiệp này.
 
 
 
Rõ ràng, chuyện khởi nghiệp không phải chuyện dễ làm, nhưng cũng không phải là không thể thực hiện. Tinh thần khởi nghiệp nên được các bạn sinh viên ý thức từ sớm để từ đó đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội của bản thân trong thời đại mới. Cũng theo ông Liêng, nhìn nhận đúng về bản thân là chưa đủ, mỗi người khởi nghiệp đều cần tìm được một người cố vấn, dìu dắt trong suốt khoảng thời gian đầu lập nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của một công ty khởi nghiệp.
 
Cuối buổi chia sẻ, các bạn sinh viên, học viên cao học đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến cảm hứng khởi nghiệp của ông Liêng khi thành lập công ty Vinacacao, cách xác định thị trường tiềm năng, xây dựng kế hoạch tài chính hiệu quả và thương mại hóa sản phẩm ở thị trường,... Dịch vụ đã giúp các bạn sinh viên học hỏi và mở mang kiến thức mới về khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, những chia sẻ về cơ hội cũng như khó khăn trong quá trình lập nghiệp của chính Tổng Giám đốc công ty Vinacacao Việt Nam giúp các bạn trẻ có định hướng rõ ràng hơn cho con đường khởi nghiệp trong tương lai.
 
 
Diễn giả Trần Văn Liêng trả lời câu hỏi của người tham dự